BÍ QUYẾT CHĂM SÓC TRẺ BIẾNG ĂN “LỚN NHANH NHƯ THỔI”
Làm cha, làm mẹ, không ai là không muốn con cao lớn, khỏe mạnh. Nhưng không phải em bé nào cũng có thể làm các bậc làm cha, làm mẹ cảm thấy “mát mặt” khi vừa biếng ăn lại vừa còi cọc, thấp bé. Nếu gia đình bạn đang lâm vào tình cảnh “khốn khổ” vì con biếng ăn xin đừng bỏ qua những thông tin hữu ích sau đây.
Bí quyết chăm sóc trẻ biếng ăn “lớn nhanh như thổi”
Trẻ không muốn ăn
Nếu con bạn tỏ ra không “hứng thú” với bữa ăn của mình, rất có thể là bé không cảm thấy đói, đang bị buồn ngủ hoặc trong tình trạng mệt mỏi. Lúc này, thay vì ép con ăn, các bạn nên nghiên cứu thay đổi thời gian cho trẻ ăn sao cho hợp lý nhất so với thời gian biểu sinh hoạt của trẻ, để cho bé được ngủ một giấc ngắn hoặc cho bé đi dạo chơi. Sau đó mới tiếp tục công việc cho con ăn của mình.
Một nguyên nhân thường gặp nữa khiến trẻ không muốn ăn chính là món ăn của trẻ không thực sự hấp dẫn. Việc mẹ quá bận rộn hoặc không chu đáo trong chuyện chế biến thức ăn cho con có thể khiến trẻ không muốn ăn. Do đó, các bạn cần tranh thủ chế biến, bài trí món ăn sao thật hấp dẫn để kích thích nhu cầu ăn uống của trẻ.
Trẻ không chịu nuốt thức ăn
Trẻ không chịu nuốt thức ăn thường có 2 nguyên nhân: Trẻ không thích hương vị của món ăn hoặc thức ăn quá cứng, to, thô khiến bé không thể nuốt được. Lúc này, các mẹ nên thử nghiệm nhiều loại thực phẩm và cách chế biến, lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp với độ tuổi và sở thích của bé để giúp bé ăn được nhiều hơn và không xảy ra tình trạng bé không chịu nuốt thức ăn trong quá trình ăn.
Trẻ không chịu ngồi ăn
Nhiều ông bố, bà mẹ khá đau đầu vì trẻ không chịu ngồi ăn, quấy khóc hoặc đùa nghịch liên tục trong bữa ăn. Nguyên nhân của việc này có thể là do bé cảm thấy chán nản khi người lớn đút ăn, muốn được tự cầm thìa xúc ăn. Do đó, các bạn có thể tạo điều kiện để trẻ chủ động hơn trong bữa ăn của mình dù rằng trẻ có thể bị lấm bẩn và bạn phải mất nhiều thời gian dọn dẹp “chiến trường”.
Bên cạnh đó, thời gian dành cho mỗi bữa ăn chỉ nên duy trì khoảng 20 – 30 phút để trẻ được tập trung ăn uống, mùi vị thức ăn không bị ảnh hưởng và đảm bảo ở bữa ăn kế tiếp trẻ đã có cảm giác đói.
Bố trí bàn ăn hợp lý cho trẻ
Để trẻ ăn tập trung và ăn được nhiều hơn, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một bộ bàn ghế ăn phù hợp với ngoại hình của bé trong từng giai đoạn. Ghế ăn cần được điều chỉnh nhằm giúp bé nhìn thấy rõ nhất những thức ăn trước mặt. Nếu bé có thái độ không thoải mái, từ chối việc ăn uống, bố mẹ có thể động viên và khuyến khích trẻ trong một giới hạn nhất định để trẻ ngồi yên trên ghế ăn thay vì bế trẻ đi ăn rong.